Hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định về quản lý thu nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và bảo đảm quyền lợi của NLĐ

30/05/2017 10:03 AM


Chiều 29/5, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo “Nghị định quy định về quản lý thu nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và bảo đảm quyền lợi của NLĐ”. Tham dự hội thảo có Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu; Phó Trưởng Ban Quan hệ Lao động, Tổng LĐLĐVN Lê Đình Quảng; đại diện LĐLĐ một số tỉnh, thành phố; cùng đại diện các Công đoàn Ngành tại Trung ương như: Xây dựng, Công thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Dệt may,…

Toàn cảnh hội thảo

Tại hội thảo, các đại biểu đã đóng góp các ý kiến vào dự thảo “Nghị định quy định về quản lý thu nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và bảo đảm quyền lợi của NLĐ”. Dự thảo Nghị định gồm 4 Chương và 16 Điều, do Bộ LĐ-TB&XH chủ trì xây dựng, hiện đang trong quá trình lấy ý kiến đóng góp- trước khi gửi lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp.

Luật BHXH năm 2014 có nhiều quy định mới theo hướng tăng thêm quyền lợi cho NLĐ, đồng thời, bổ sung nhiều quy định nhằm đảm bảo tăng tính tuân thủ pháp luật về BHXH, giảm tình trạng nợ đóng, chậm đóng BHXH của người sử dụng lao động. Tuy nhiên, quá trình triển khai Luật BHXH còn gặp khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết quyền lợi về BHXH đối với NLĐ trong các DN giải thể, phá sản hoặc DN có chủ bỏ trốn mà còn nợ tiền đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.

Phó Trưởng Ban Quan hệ Lao động, Tổng LĐLĐVN Lê Đình Quảng phát biểu tại hội thảo.

Dẫn chứng về nội dung này, Phó Trưởng Ban Quan hệ Lao động, Tổng LĐLĐVN Lê Đình Quảng cho biết, tính đến hết năm 2015 có 220,5 tỷ đồng tiền nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của một số DN giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn. Trong đó, có 1.676 DN bị phá sản, giải thể, rút giấy phép kinh doanh với 7,8 nghìn lao động, nợ số tiền BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là 79,5 tỷ đồng; có 1.931 DN trong nước không còn hoạt động sản xuất kinh doanh tại địa điểm đăng ký (DN mất tích) với 1,4 nghìn lao động, nợ số tiền BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là 89,5 tỷ đồng; có 106 DN chủ nước ngoài bỏ trốn với 4 nghìn lao động, nợ số tiền BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là 51,5 tỷ đồng.

Ông Lê Đình Quảng cũng nhấn mạnh, trên thực tế, với quy định hiện hành đã cho phép các DN đang còn hoạt động nợ tiền đóng BHXH có thể giải quyết quyền lợi cho những NLĐ đủ điền kiện hưởng BHXH hoặc thôi việc chuyển đơn vị, DN khác; quy định về ưu tiên giải quyết các khoản nợ tiền BHXH, BHYT, BH thất nghiệp khi DN giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động.

Tuy nhiên, đối với trường hợp chủ bỏ trốn hoặc các DN giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động mà sau khi thanh lý tài sản không còn đủ tiền trả nợ BHXH thì chưa có quy định giải quyết quyền lợi về BHXH đối với NLĐ trong các đơn vị, DN này.

Xuất phát từ thực tế trên, nhằm đảm bảo quyền lợi an sinh cho NLĐ, căn cứ khoản 7 Điều 10 của Luật BHXH năm 2014 quy định trách nhiệm của Bộ LĐ-TB&XH: “Trình Chính phủ quyết định biện pháp xử lý trong trường hợp cần thiết để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng về BHXH của NLĐ”; để góp phần thực hiện có hiệu quả công tác thu BHXH, hạn chế tình trạng nợ đóng BHXH kéo dài thì việc xây dựng và ban hành Nghị định này là cần thiết.

Theo đó, một trong những quy định đáng chú ý của dự thảo Nghị định này là đưa ra phương án: Ghi nhận thời gian NLĐ làm việc tại các DN giải thể, phá sản mà DN nợ tiền đóng BHXH là thời gian đóng BHXH để làm cơ sở giải quyết các chế độ BHXH hoặc chốt sổ BHXH để NLĐ chuyển đơn vị khác; sau khi thanh lý tài sản được ưu tiên đóng BHXH, trong trường hợp không đủ, thì được đảm bảo bằng khoản tiền lãi mà người sử dụng lao động phải nộp khi nợ đóng BHXH theo quy định tại khoản 3 Điều 122 của Luật BHXH năm 2014.

Cụ thể, khoản 3 Điều 122 của Luật BHXH năm 2014 quy định: Người sử dụng lao động nợ đóng BHXH từ 30 ngày trở lên thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chậm đóng, và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng.

Tại hội thảo, ý kiến thảo luận của các đại biểu đều cho rằng, phương án đưa ra trong dự thảo Nghị định này đảm bảo được quyền lợi về BHXH của NLĐ và có ưu điểm là chỉ cần sửa đổi một số quy định của pháp luật có liên quan, nhất là Luật Phá sản, và thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ, không cần phải bố trí nguồn bù đắp từ ngân sách Nhà nước. 

Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, phương án này không hoàn toàn đảm bảo nguyên tắc đóng - hưởng theo quy định của Luật BHXH năm 2014 và có thể sẽ tạo tiền lệ cho các DN cố tình chây ỳ, trốn đóng, nợ đóng BHXH. Mặt khác, các đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn: Về tính bền vững của phương án này, một khi tình hình chấp hành pháp luật BHXH của chủ sử dụng lao động được cải thiện hiệu quả, tiền lãi thu không đủ chi trả thì lấy gì để đảm bảo nguồn bù đắp này? 

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cho rằng, các địa phương cũng cần phải trích ngân sách địa phương để cùng chia sẻ trách nhiệm này.

Nhằm tháo gỡ những vướng mắc nêu trên, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu chia sẻ quan điểm và cho rằng, ngoài phần tiền bù đắp theo phương án này thì các địa phương cũng cần phải trích nguồn từ ngân sách địa phương để cùng chia sẻ trách nhiệm này, đảm bảo quyền lợi an sinh cho NLĐ. Bởi, địa phương phải có trách nhiệm khi không quản lý, giám sát tốt, dẫn tới tình trạng phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn của các DN xảy ra mà không nắm bắt sớm để có biện pháp xử lý kịp thời, giảm thiểu tối đa hệ luỵ...

Mặt khác, ông Trần Đình Liệu cũng cho rằng, tăng cường chia sẻ, liên thông dữ liệu giữa các Ngành: Kế hoạch Đầu tư - Thuế - BHXH; thực hiện hiệu quả công tác quản lý thu nợ BHXH cũng là một trong những giải pháp hiệu quả nhằm giảm thiểu tình trạng chủ sử dụng lao động chiếm dụng tiền đóng BHXH của NLĐ, xâm phạm quyền lợi an sinh chính đáng của NLĐ.

Bên cạnh đó, một số đại biểu cho rằng, về giải pháp lâu dài, nguồn tiền bù đắp này nên lấy từ ngân sách Nhà nước. Nếu vướng về luật thì cần đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết tháo gỡ. Đồng thời, cần tăng cường công tác tuyên truyền: Một mặt trang bị thông tin về chính sách BHXH để NLĐ biết và tự đấu tranh, bảo vệ quyền lợi an sinh của mình; mặt khác cũng nhằm tăng cường hơn nữa tính tuân thủ pháp luật BHXH của chủ sử dụng lao động. Bên cạnh đó, cũng cần phải tăng cường vai trò đại diện của tổ chức công đoàn trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ./.

Trọng Nguyễn