Cải cách hành chính BHXH: Các doanh nghiệp FDI thấy hài lòng

12/07/2017 02:54 PM


Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của ngành Bảo hiểm Xã hội (BHXH) trong thời gian qua đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ, thủ tục tại BHXH huyện Sóc Sơn - Hà Nội (Nguồn Internet)

Theo kết quả khảo sát mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2017 về những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp tại khu vực phía nam cho thấy, phần lớn các DN FDI thấy thuận lợi hơn trước những cải cách của BHXH.

Tạo thuận lợi cho DN

Thực hiện các Nghị quyết 19 và Nghị quyết số 35 của Chính phủ, công tác triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của BHXH Việt Nam thời gian qua đã chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả bước đầu như: Rà soát, cắt giảm nhiều TTHC không còn phù hợp, rút ngắn thời gian hoàn thành thủ tục nộp BHXH, BHYT, BH thất nghiệp nhằm tạo thuận lợi cho DN và người lao động, áp dụng công nghệ thông tin, kết nối mạng giữa các cơ quan BHXH của 63 tỉnh, thành phố, tạo lập cơ sở dữ liệu BHXH tập trung của cả nước.

Hiện nay, cộng đồng các DN FDI tại Việt Nam có khoảng trên 16.000 DN, với trên 3,8 triệu người lao động. Mặc dù, DN FDI chỉ chiếm 7,7% tổng số DN tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, nhưng đã đóng góp đáng kể vào kết quả thu và mở rộng đối tượng tham gia BHXH, với số tiền thu chiếm đến 47,2% và số lao động tham gia BHXH chiếm đến 42,9% so với tổng số tiền thu, tổng số lao động tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của khối DN trong cả nước. BHXH Việt Nam cho biết, các DN FDI luôn chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, thực hiện đúng các quy trình thủ tục của BHXH Việt Nam, có đội ngũ làm công tác BHXH chuyên nghiệp nên các thủ tục hành chính về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp được thực hiện chính xác và hiệu quả, đặc biệt là nghiệp vụ về lập thủ tục hồ sơ hưởng BHXH...

Năm 2016, BHXH Việt Nam đã cắt giảm còn 32 TTHC; giảm 38% thành phần hồ sơ; giảm 42% tiêu thức trên tờ khai, biểu mẫu; giảm 54% quy trình, thao tác thực hiện. Giao dịch điện tử được đẩy mạnh với 90% số DN thực hiện. Văn hóa ứng xử và phong cách phục vụ của cán bộ, viên chức ngành BHXH đã chuyển biến tích cực. Thông qua phần mềm giao dịch điện tử, DN có thể kê khai và nộp hồ sơ BHXH cho cơ quan BHXH thông qua Cổng thông tin điện tử hoặc các tổ chức cung cấp dịch vụ. Trong năm, BHXH Việt Nam cung cấp được 14 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, số đơn vị đăng ký giao dịch điện tử là 236.546 đơn vị... Ngành thường xuyên sửa đổi, hoàn thiện quy trình, hồ sơ trong tất cả các lĩnh vực từ thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT đến giải quyết, chi trả chế độ theo hướng ngày càng giảm bớt các thủ tục, đơn giản các biểu mẫu, tiêu chí...

Với những nỗ lực cải cách này, có tới 64% DN tham gia khảo sát về những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho rằng, họ thấy thuận lợi hơn về BHXH, 55,8% đánh giá thuận lợi hơn về BHYT và 51,3% ý kiến đánh giá thuận lợi về chính sách BH thất nghiệp. Về trình tự, thủ tục giải quyết của ngành BHXH, 71% DN FDI được hỏi đánh giá không vướng mắc, 80% đánh giá thời gian giải quyết thủ tục của cơ quan BHXH hiện nay ở mức vừa phải, 13% đánh giá quá dài và phức tạp, 7% đánh giá nhanh. Những cải cách này được cộng đồng các DN FDI đánh giá khá cao, góp phần giảm thiểu thời gian và chi phí cho các DN.

Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các thủ tục

Quá trình khảo sát các DN FDI khu vực phía Nam cũng ghi nhận một số khó khăn trong quá trình thực hiện các thủ tục BHXH, BHYT. Theo đó, vẫn thiếu các văn bản quy định chi tiết hoặc văn bản hướng dẫn, chính sách hoặc văn bản ban hành muộn. DN chưa cập nhật và thông tin kịp thời những thay đổi về thủ tục, hồ sơ, biểu mẫu gây khó hiểu, khó tiếp cận và mất thời gian sửa chữa. Các DN này đề xuất BHXH Việt Nam tiếp tục rà soát, kiểm tra những trình tự, thủ tục, hồ sơ hành chính để đơn giản hóa các TTHC; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tập trung triển khai thực hiện thủ tục tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp qua giao dịch điện tử; tiếp tục hỗ trợ, đào tạo tập huấn, có dịch vụ giải đáp thắc mắc cho DN.

Để tăng cường thu hút vốn FDI bền vững, Việt Nam đã có những biện pháp nhằm hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Nghị quyết số 35 cũng đã đề ra những nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ban ngành, trong đó có nhiệm vụ: “Rà soát, đề xuất chế độ BHXH hợp lý, hài hòa lợi ích của người lao động, DN và xã hội để DN thích ứng và sử dụng lao động phù hợp”.

Chính sách BHXH, BHYT thời gian qua đã có những sửa đổi, điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước. Để tạo điều kiện cho DN, Chính phủ đã giảm tỷ lệ mức đóng tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. BHXH Việt Nam  khẳng định, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục rà soát, đơn giản hoá các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết; niêm yết công khai, thông tin, hướng dẫn cho DN những thay đổi về TTHC rõ ràng, cụ thể, kịp thời và thường xuyên; thiết lập hệ thống tư vấn, giải đáp, chăm sóc khách hàng nhằm tiếp nhận, xử lý thông tin, tư vấn, giải đáp, hỗ trợ các yêu cầu của cá nhân, tổ chức tham gia giao dịch điện tử lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.

PV (theo thoibaotaichinh)